Lm
Giuse Nguyễn Văn Am, SDB.
Anh
chị em thân mến,
Chúng
ta mong muốn có một nền thần học được Việt hóa một cách nào đó để có thể trình
bày giáo lý của Đức Kitô mà Giáo hội nhận lãnh như một kho tàng với một sự mới
mẻ, phong phú và hiệu quả. Điều ấy hẳn là phúc lành của Thiên Chúa cho Việt
nam. Nhưng phải chăng là một mong muốn chưa được thể hiện? Tôi không bi quan
cũng không quá lạc quan, vì biết
rằng con đường trước mắt còn dài, nếu không nói là xa vạn dặm. Nhưng ít nhất đã có chút nào đó rồi. Chúng ta không thấy điều đó trong những vở tuồng hát chèo Tin mừng ư? Chúng ta không thấy điều đó trong những vở cải lương Tin mừng ư? Chúng là gì nếu không phải là một thứ Tin Mừng được Việt hóa? Chúng không phải là thứ thần học đã được ứng dụng vào huấn giáo sao? Dĩ nhiên đó mới là bước đầu. Điều ấy muốn nói rằng phần kế tiếp sẽ là của những người sinh viên thần học, những giáo lý viên đang đến đây với niềm thao thức đó. Một thần học được Việt hóa không thể thành đạt mà không có các bạn cùng nhau liên kết và làm việc. Tôi chỉ làm một việc mời gọi và cùng với các bạn đưa ra vài hướng đi mà thôi.
rằng con đường trước mắt còn dài, nếu không nói là xa vạn dặm. Nhưng ít nhất đã có chút nào đó rồi. Chúng ta không thấy điều đó trong những vở tuồng hát chèo Tin mừng ư? Chúng ta không thấy điều đó trong những vở cải lương Tin mừng ư? Chúng là gì nếu không phải là một thứ Tin Mừng được Việt hóa? Chúng không phải là thứ thần học đã được ứng dụng vào huấn giáo sao? Dĩ nhiên đó mới là bước đầu. Điều ấy muốn nói rằng phần kế tiếp sẽ là của những người sinh viên thần học, những giáo lý viên đang đến đây với niềm thao thức đó. Một thần học được Việt hóa không thể thành đạt mà không có các bạn cùng nhau liên kết và làm việc. Tôi chỉ làm một việc mời gọi và cùng với các bạn đưa ra vài hướng đi mà thôi.
Chính
vì thế, đề tài tôi trình bày với anh chị em hôm nay là về những "cám dỗ và
lợi ích" của một thần học mang tính bối cảnh được áp dụng vào huấn giáo.
Tôi sẽ không nêu ra hết mọi điểm lợi hay nguy cơ. Tôi chỉ đưa ra những hướng
suy tư để từ đó chúng ta có thể lợi dụng được những đóng góp của cả cộng đoàn
dân Chúa (vì chủ thể làm thần học không phải là từng tín hữu cách cá nhân và
riêng rẽ, song chính là cộng đoàn đức tin, cộng đoàn Giáo hội trong một địa
phương).
Tôi
sẽ trình bày đề tài bằng cách cho thấy yêu cầu không thể né tránh của việc suy
tư đức tin trong bối cảnh để có thể thông truyền đức tin ấy cho thế hệ kế tiếp.
Từ đó, tôi nêu lên chiều sâu của một thái độ như thế trong suy tư thần học với
những nguy cơ của chủ nghĩa tương đối trong đức tin vẫn có đó.
I. Khởi đi từ kinh nghiệm trong huấn giáo
1. Các bạn đừng buồn nếu
tôi đưa ra một vài nhận xét sau đây. Tại sao? Vì người đưa ra nhận xét cũng đã
từng là kẻ vi phạm nó. Thật vậy, một trong những ưu tư chính đáng của giáo lý
viên là nắm vững kiến thức đức tin thật chính thống. Khi nhận một lớp giáo lý,
chẳng bạn nào mà không ưu tư rằng tôi có trình bày đúng không? Lỡ ra lại lạc
giáo thì khốn. Ưu tư đó rất chính đáng. Chính từ ưu tư đó mà anh chị em nỗ lực
học hỏi hết lớp này đến lớp khác về tín lý. Ưu tư đó bắt anh chị em liên tục
quy chiếu, nếu không muốn nói là thuộc lòng, các thủ bản giáo lý. Điều ấy thật
tuyệt vì không một nỗ lực nào để tăng trưởng kiến thức đức tin lại thành vô
ích.
2. Tuy thế, cũng có một
kinh nghiệm khác không kém thực sự. Chúng ta trình bày cùng một kiến thức đức
tin đó cho mọi người chúng ta gặp hay chịu trách nhiệm: cho lớp khai tâm cũng
như trong lớp thêm sức hay bao đồng hay vào đời. Người dự tòng có thể cũng nghe
cùng một điều với những thuật ngữ không khác nhau bao nhiêu trong các lớp trên.
Hạn từ chúng ta sử dụng quả là chính thống đến độ không khác chút nào. Lớp giáo
lý của một người kinh và lớp giáo lý của một người dân tộc thiểu số đều vang
lên cùng một ngôn ngữ, cùng những thuật
ngữ chuyên môn. Dường như chúng ta không cần tự hỏi họ có hiểu ngôn ngữ của
chúng ta hay không. Đừng buồn anh chị em, bởi lẽ không phải chỉ có một mình anh
chị em đâu. Chính tôi cũng đã từng rớt vào. Khi còn là thày, tôi dạy dự tòng,
theo kiểu từng người một; nhưng tôi chẳng cần để ý họ là ai, học lực bao nhiêu,
làm nghề gì. Tôi cứ thao thao giảng những gì tôi đã dọn, sợ rằng cháy giáo án,
và nhất là sợ "sai" tín lý. Rồi, khi làm linh mục, tôi giảng lễ cho
thiếu nhi bằng những từ ngữ to lớn của thần học và triết học cũng y như giảng lễ
cho người lớn, người bình dân cũng như người bác học. Chính tôi cũng sợ dùng những
ngôn ngữ đã có trong bồ khôn ngoan của dân Việt để diễn đạt đức tin vì nhỡ ra
tôi lại "lạc giáo" mất. Nỗi sợ ấy trùm kín đến độ làm cho cảm thức đức
tin bị nghẹt thở: khi tôi hỏi lại người nghe nắm bắt được gì, họ chỉ im lặng với
đôi mắt tròn xoe. Hình như Thiên Chúa qua cách tôi giảng dạy vẫn rất xa với họ,
đang khi mà mục đích của thần học là mang Thiên Chúa trở nên gần gũi với từng
người.
3. Khi tôi nêu lên nhận
xét này, xin đừng hiểu lầm rằng tôi đang phê bình anh chị em giáo lý viên. Tôi
luôn trân trọng và quý mến các anh chị em giáo lý viên, trẻ cũng như lớn tuổi,
bởi vì sự hy sinh và quảng đại của họ. Hy sinh những gì bề ngoài không thể sánh
với những hy sinh về giờ giấc, nghỉ ngơi, và đời sống. Anh chị em giáo lý viên
đều quảng đại, chẳng tiếc gì cho Thiên Chúa, cho Giáo hội, cho các thanh thiếu
niên. Đó là điểm son mà tôi luôn trân trọng. Đó là gương sáng cho tôi. Thế
nhưng tôi nêu chúng ra để có thể cùng nhau đi tìm một hướng đi dựa trên những
đoạn đường đã qua. Không ai mà chưa bước đi trên đường đức tin. Và không đoạn
đường đã trải qua nào mà không có giá trị.
Kinh
nghiệm trên mời gọi chúng ta hãy đi xa hơn để làm cho việc rao giảng Chúa Giêsu
của chúng ta nên hữu hiệu, không phải ở diện lý thuyết và suy lý, nhưng ở diện
yêu mến và biến đổi.
Thật
vậy, có một câu chuyện vui của người Đông phương tôi lấy từ cuốn earthing the gospel của A. Arburkle cho chúng ta suy nghĩ. Một
ngày kia, con khỉ và con cá chịu một trận lụt rất lớn. Con khỉ mau lẹ nhảy lên
một cây rất cao và an toàn. Từ đó nhìn xuống, nó thấy con cá bị nhồi lên nhồi
xuống. Thương cho con cá, con khỉ cúi xuống để cứu con cá. Không hạnh phúc chút
nào, con cá đột nhiên cắn vào tay con khỉ một cú thật đau. Thấy cá vô ơn, con
khỉ tức giận ném mạnh con cá xuống dòng sông ấy!!! Ông nhận định như sau:
"Như
nước dành cho cá, vì văn hóa cũng dành cho con người - chân lý ấy khó mà nắm vững
trừ phi, như con cá, chúng ta kinh nghiệm vết thương là đột nhiên bị sống (hiện
hữu) ở ngoài văn hóa, không có một cảm thức thuộc về. Chúng ta những nhà loan
báo tin mừng và thần học gia, nhiều khi hành xử như con khỉ trên kia: có đầy
thiện ý, song lại chẳng mảy may nhạy cảm về văn hóa là gì hay văn hóa hoạt động
như thế nào. Kết quả là những cố gắng nghiệp dư và miễn cưỡng ở hội nhập văn
hóa có thể rất tai hại về mục vụ. Để can dự hoàn toàn vào cuộc đối thoại giữa
tin mừng và văn hóa, chúng ta cần nhiều thứ hơn là chỉ thiện ý của con khỉ trên
kia!"[1]
Thực
ra rất xưa, Giáo hội đã chỉ dẫn phải làm cho thần học, những chân lý của Thiên
Chúa đi vào trong bối cảnh địa phương. Tài liệu của Giáo hoàng chỉ dẫn như sau:
Đừng phá đổ đền miếu của lương dân, song hãy thay đổi mọi sự ở trong đó dưới
ánh sáng của Tin mừng.[2]
II. ĐẾN TIẾNG KÊU MỜI TỪ GIỮA LÒNG NHÂN LOẠI
Chỉ
dẫn trên khiến chúng ta dọi chiếu lại lịch sử truyền giáo tại Việt Nam. Những
gì nói trên có điều gì rất giống với kinh nghiệm về việc dạy giáo lý trong lịch
sử truyền giáo tại Việt nam. Cristoforo Borri thuật lại một ngày kia Francesco
Buzomi, một nhà truyền giáo đầu tiên tại Việt nam, xem một vở hài kịch của dân
gian Việt nam. Trong đó, tay hề mang một chiếc túi, trong đó giấu một đứa nhỏ.
Ông ta lôi đứa nhỏ từ trong chiếc túi ra. Ông giơ cao đứa nhỏ, dõng dạc dùng y
hệt những lời mà các nhà truyền giáo hỏi người được rửa tội theo nhái âm: này
nhỏ, mày có muốn vào bụng của người Bồ đào Nha không? Dân chúng cười ngất vì
trò hề đó! Nhưng Buzomi không cười. Ông biết chắc các nhà truyền giáo không muốn
hỏi và trình bày như thế. Nhưng ngôn ngữ sử dụng hay cách diễn đạt các ngài nói
lên có điều gì không ổn khi những người nghe lại hiểu như vậy. Bằng cách đó,
ông đã tìm ra được câu hỏi đích thực khác: "con có muốn vào đạo Kitô
chăng?" Quả thực, một khi không chỉ quan tâm đến sứ điệp Tin mừng được
trình bày mà còn nhạy bén trước những con người nghe, nhờ ánh sáng đức tin và
nhiệt tình loan báo Tin mừng, chính những người loan báo Tin mừng có thể nhận
ra được những dấu chỉ của Thiên Chúa mà rất có thể đến từ những người nghe để giáo hóa chính mình và nếm được Thiên Chúa vượt
xa mọi phạm trù.
Soren
Kierkegaard cũng kể một câu chuyện và được Harvey Cox sử dụng lại cho luận đề của
mình, để nói tới mối nguy của một sứ điệp không được "hợp thời". Có một
gánh xiếc. Họ đến và làm cho dân làng cười thỏa thuê. Chiều hôm sau, bỗng nhiên
ngọn lửa ấp xuống gánh xiếc. Ông chủ gánh xiếc sai tay hề chạy vào làng để cầu
cứu. Tay hề, vì quá vội, không kịp thay áo quần, để yên y phục sửa soạn diễn
hài, chạy vào làng xin đến cứu giúp. Dân làng ra xem. Họ đứng yên không nhúc
nhích. Tay hề càng lên tiếng nài xin, đến độ quỳ xuống, khóc lóc xin họ. Thế
nhưng, dân làng càng cười, nghĩ rằng đây là một chiêu quảng cáo mới cho buổi diễn
sắp tới. Cuối cùng, ngọn lửa đến thiêu rụi cả làng. Lúc đó họ mới biết lời của
tay hề kia là thật!
Câu
chuyện trên có thể nói lên một chân lý thực tiễn dưới diện một lời cảnh cáo đối
với các tín hữu trong việc trình bày Tin mừng: Trình bày một sứ điệp, một chân
lý mà không để ý đến những gì chung quanh có thể trở thành bị chế nhạo; chính
vì thế, việc hội nhập văn hóa hay xây dựng một nền thần học cho địa phương quả
là cần thiết và là một bổn phận, bó buộc.
Hẳn
rằng đối với tôi, câu truyện trên không muốn nói rằng chỉ cần thay đổi ngôn ngữ
cho phù hợp với người nghe là lập tức nhân loại sẽ trở về qui phục đức tin. Nếu
thế thì quả là đơn giản. Đức tin không phải là kết quả của việc thay đổi ngôn
ngữ sao cho phù hợp với người nghe. Chính Ratzinger cho ta những nhận xét mạnh
mẽ như sau:
"Có
chắc là chỉ cần 'cập nhật hóa', chỉ cần rửa hết phấn sáp, chỉ cần dùng thứ ngôn
ngữ thời thượng, tục hóa hay núp dưới áo của một thứ đức tin Kitô phi tôn giáo,
nghĩa là bỏ đi lớp vỏ tôn giáo, là mọi thứ sẽ đâu vào đấy? [...] Theo thiển ý,
ngày nay, nhiều luồng thần học đang xuất hiện đây đó cũng đang rơi vào thái độ
khá ngây thơ như thế, nghĩa là cố thuyết phục thiên hạ bằng cách lột bỏ lớp vỏ
cũ kỹ để mặc vào mình bộ áo văn minh hiện đại. [...] Nếu biết phản tỉnh, kẻ rao
giảng đức tin hẳn sẽ nhận ra rằng, khó khăn mà thần học đang gặp phải không chỉ
là vấn đề hình thức bên ngoài hay do xáo trộn về trang phục."[3]
Thế
nhưng, xem thường ngôn ngữ diễn tả cho những con người cụ thể quả đúng là một tội
mà Vatican II nêu rõ. Chính Đức Phaolô VI cũng như Gioan XXIII trong diễn văn
khai mạc công đồng đã đòi buộc Giáo hội của Vatican II đã loại đi được chiếc áo
của thời Constantin đã khoác trên dung nhan Giáo hội từ lâu rồi. Đức Phanxicô mới
đây còn nói rõ hơn rằng trong một Giáo hội như thế, ta rất dễ nhân danh truyền
thống mà thật ra chỉ là những tập tục của một thời đại văn hóa đặc thù để làm
lu mờ sứ điệp Tin mừng vốn có thể đi vào mọi nền văn hóa và đổi mới nó.[4]
Suy
nghĩ sâu hơn nữa, chúng ta nhận ra rằng không phải chỉ chúng ta mới cần đến một
nền giáo lý được nhập thể xứng tầm với hiện trạng của người nghe vì được nền thần
học để ý đến bối cảnh hỗ trợ, mà cả những người hưởng nhận sứ điệp cũng đang
mong chờ. Thật vậy, trong trình thuật hai môn đệ Emmaus, họ gặp phải những vấn
đề mà trước kia họ chưa bao giờ lường được. Và Đức Giêsu đồng hành với họ không
phải bằng cách mang đến cho họ một giải đáp làm sẵn. Không. Trái lại, Người
thúc đẩy chính họ tìm được những giải đáp chân thật cho những thất vọng rất hiện
sinh của họ bằng một "kiến thức sống" của Tin mừng, ta có thể nói như
thế ở đây. Tin mừng khơi nguồn những giải đáp cho những vấn đề mà mỗi thời đại
nhân loại đặt ra dường như chẳng bao giờ lường trước được.[5]
Và nếu nền huấn giáo thất bại để nhìn ra và trình bày chúng, con người thời đại
đó có thể mang một hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa đến độ có thể khước từ Ngài.
Chính Vatican II cảnh báo rằng những trình bày không đúng, sai lạc về Thiên
Chúa có thể là duyên cớ của vô thần.[6]
III. KHÁM PHÁ SỰ TƯƠNG TÁC GIỮA BA YẾU TỐ: SỨ ĐIỆP,
NGƯỜI GIẢI THÍCH, BỐI CẢNH
Nếu
thanh thản nhờ đức tin hướng dẫn và phân định, chúng ta có thể thấy Thiên Chúa
cống hiến cho chúng ta những dấu chỉ trong văn hóa hôm nay. Thật vậy, đứng ở một
góc cạnh nhân bản mà triết học thế kỷ 20 đề cao, chúng ta thấy phải nhấn mạnh đến
tính toàn vẹn của con người. Con người ngập chìm trong toàn thể trước khi chú ý
đến đặc thù. Theo Husserl, con người luôn tri giác hình thể, Gestald, con người luôn tri giác một đối
tượng trên một chân trời. Một đối tượng
chỉ là chính mình trong liên đới với những gì chung quanh như một chân trời cho
nó xuất hiện. Không một vật nào được tri giác riêng, song luôn xuất hiện
trước một chân trời. Thế giới là chân trời của mọi chân trời. Tri thức luôn đến
từ cuộc đối thoại giữa chủ thể tính và thực tại và chân trời làm sáng tỏ ý
nghĩa của từng vật đặc thù. Cùng một hướng đích, nhưng dưới một góc cạnh khác,
J. Paul Sartre cũng như Merleau Ponty nhấn mạnh đến chỗ đứng của thân xác trong
tất cả những loại tri thức. Mà thân xác thì luôn mang tính chất cá thể, cá
nhân, thân xác của tôi hay của anh. Nó được đóng khung trong một nơi chốn, thời
gian, xã hội và lịch sử. Không có một thân xác chung cho mọi người: tôi là thân
xác của tôi, đúng như G. Marcel chân nhận. Như thế, thân xác tác động nhiều đến
tri giác, suy nghĩ, nhận thức.
Từ
đó nhân học hiện đại mạnh mẽ nhắc nhớ chúng ta rằng có một mối tương quan năng động giữa sứ điệp, người giải
thích và khung cảnh. Một sứ điệp có giá trị không bao giờ đứng riêng biệt tự
nó. Sứ điệp luôn được gởi đến những con người cụ thể với những yếu tố văn hóa,
xã hội, chính trị và tôn giáo, chưa kể đến những yếu tố tâm lý của từng người.
Nói thế, ta không rơi vào chủ nghĩa tương đối, muốn cắt nghĩa sứ điệp ra sao
cũng được. Ta không nói ý đó. Ta chỉ muốn nói khi công bố sứ điệp chúng ta phải
tìm cho ra được sứ điệp ấy đáp ứng thế nào với những khao khát sâu xa nhất của
những con người chúng ta được sai đến.[7]
Bằng không, có những nguy cơ mà có lẽ Chúa Giêsu dùng hình ảnh viên ngọc được
ném cho bầy heo.
Khi
suy niệm những gì Vatican II nói về con người trong thời đại tân tiến, Đức
Gioan Phaolô II đã mệnh danh Giáo hội là chuyên viên về con người. Tước hiệu
đó, ngài không muốn nói cho một Giáo hội chung chung, trừu tượng, vì Giáo hội
như thế đó không có. Đúng hơn, ngài nói cho từng người tín hữu, từng giáo lý
viên, từng thần học gia. Điều ấy khiến chúng ta phải giật mình, vì chúng ta có
thật sự là như vậy không. Nếu đúng là như vậy, chúng ta không thể nào công bố sứ
điệp mà trước đó không cùng nhau tìm hiểu
và đánh giá hiện trạng của những người chúng ta được sai tới. Đây không phải
là chuyện vô ích hay thừa thãi. Đúng hơn, đó là một bó buộc. Thế nhưng, chúng
ta cũng thường lãng quên điều này hơn cả. Lượng định, đánh giá hiện trạng, để
thấy rõ Thần khí đang hoạt động ở nơi đó như thế nào và sứ điệp Tin mừng sẽ có
thể đến và đổi mới nó từ ngõ ngách nào, đúng là một tuyệt đối cần thiết, không
thể né tránh. Xét như thế, tính đa nguyên trong giải thích không phải là điều
khó hiểu. Đúng hơn, đối với tôi, một giải
thích đồng phục mới đúng là không thể tưởng tượng được. Bằng cách ấy, lắng
nghe và phân định là điều thiết yếu mà Công đồng nói đến bằng hạn từ "đọc
dấu chỉ thời đại"[8]
hay thánh Phaolô nói về việc phân định thần khí. Không phải hay sao một sứ điệp
tôn giáo mà được một nhà chính trị giải thích khác biệt biết bao với một nhà xã
hội học hay một thần học gia và triết gia.
ồ
thị sau đây diễn đạt thực tại này rất rõ ràng:[9]
Howland
Sanks viết về điều mà đồ thị trên muốn nói cho chúng ta như sau:
"Tất
cả Kitô hữu đều phải hiểu thế giới trong đó họ sống, đấy thật là quan trọng.
Thì việc đó còn quan trọng hơn cho các thần học gia và các mục tử...Tin mừng sẽ
chỉ có ý nghĩa đối với chúng ta nếu nó rõ ràng liên hệ với tình trạng đương thời
của chúng ta. Và chúng ta chỉ có thể sống Tin mừng nếu chúng ta hiểu những nhu
cầu của thời đại chúng ta và chỗ đứng của mình."[10]
Chúng
ta cho rằng chủ thể giải thích sứ điệp Tin mừng chính là Giáo hội.[11]
Và như thế chẳng phải là đồng phục sao? Thật ra, để xây dựng được một khoa huấn
giáo với sự hỗ trợ của thần học chân chính về bối cảnh, chúng ta sẽ thay đổi rất
nhiều về hình ảnh Giáo hội. Đã rất thường, chúng ta nghĩ, nói và quan niệm một
Giáo hội phổ quát theo nghĩa rất trừu tượng, chẳng hiện hữu ở đâu cả hoặc ở một
nơi rất xa, ở Roma. Chúng ta cũng có thể mang lấy một Giáo hội với những cơ cấu
hàng dọc. Đúng, nhưng không đủ. Chúng ta quên mất rằng Giáo hội cũng là chính
chúng ta. Chúng ta quên mất hay coi nhẹ chính mình cũng là Dân Thiên Chúa. Điều
này muốn nói rằng thực tại Giáo hội phổ quát chẳng thể tìm ở một nơi bên ngoài
lịch sử. Đúng hơn, chúng ta cần thiết phải hiểu rất đúng điều được Vatican II
nói lên: giáo hội phổ quát được nhập thể nơi các Giáo hội địa phương và các
Giáo hội địa phương thể hiện đầy đủ những gì là Giáo hội. Chính Bộ Giáo lý đức
tin cũng làm sống dậy giáo lý đó để nhắc
nhớ thần học gia đừng rớt vào thứ chủ nghĩa địa phương cũng như chủ nghĩa phổ
quát, chung chung về Giáo hội. Làm sống dậy chân lý này, chúng ta thấy chỗ đứng
của những nền thần học địa phương, được hiểu là sự hấp thụ Tin mừng trong bối cảnh
địa phương.
Từ
quan điểm nhân học mang tính truyền giáo, chúng ta thấy tính chất toàn diện
ngày một được để ý hơn rất nhiều. Tính toàn diện ấy khiến chúng ta không được
phép lãng quên bất kỳ một yếu tố nào, nếu không muốn làm cho sứ điệp thành vô
hiệu. Hiebert cho thấy đặc tính toàn vẹn của khoa nhân học như sau: con người
tương tác qua lại với hệ thống văn hóa, tâm lý, sinh học, thể lý và xã hội. Đồng
thời, các hệ thống đó cũng tương tác lẫn nhau. Biến động của chính trị luôn có
tác động đến hệ thống văn hóa, v.v.[12]
Hội
nhập đức tin vào văn hóa: Đức Gioan Phaolô II nói rất đúng rằng ngay khi nhận
được Tin mừng thì người tín hữu trở thành người rao giảng Tin mừng. Điều ấy muốn
nói rằng đức tin không phải là sưu tập hay một mớ những công thức tín điều. Ta
có thể đọc thuộc lòng các tín điều, hoặc kinh Tin kính, nhưng vẫn có một đức
tin kém cỏi và cằn cỗi. Đức tin trưởng thành dẫn người tín hữu vào trong mọi thực
tại nhân sinh của họ, nhưng không phải chỉ riêng mình họ. Đức tin dẫn người tín
hữu cùng với Đức Giêsu vào sống những thực tại nhân sinh đó để lại một lần nữa,
có thể nói, Đức Giêsu nhập thể cách mới mẻ vào thế đại này và cứu độ nó. Nếu thế,
một đức tin trưởng thành chắc chắn là một đức tin hội nhập vào văn hóa; và một
đức tin hội nhập vào văn hóa sẽ cho thấy một Giáo hội trưởng thành và mang đến
cho xã hội và thời đại đó điều họ khao khát nhất: CHÚA GIÊSU VÀ ƠN CỨU ĐỘ-HẠNH
PHÚC ĐÍCH THỰC.
IV. NGUY CƠ CỦA CHỦ THUYẾT TƯƠNG ĐỐI TÍN LÝ
Đến
đây, chúng ta không thể không nêu ra những nguy cơ có thể có. Không phải là buộc
phải xảy ra những nguy này. Chúng ta chỉ muốn "cảnh giác" chính mình
như thánh Phaolô đã cảnh báo: không được biến Tin mừng thành giáo thuyết của
con người. Chúng ta cảnh giác trước một tin mừng không còn phải là Tin mừng mà
chúng ta đã nhận được từ các tông đồ.
1. Theo nguyên tắc, tính
đa nguyên văn hóa và dân tộc tự nó là chính đáng và thích hợp. Và cũng thế,
tính đa nguyên thần học. Thế nhưng, tính đa nguyên thần học không được phép khởi
hứng hay chính đáng hóa đa nguyên Tin mừng. Đa nguyên Tin mừng là cửa tử của
Tin mừng, như thánh Phaolô đã nói. Nguy cơ này nằm sát cạnh chúng ta. Chính
Ratzinger trong bài viết về chủ nghĩa tương đối nằm tận trong thần học hôm nay
vạch rõ mối nguy này bằng những trường hợp cụ thể. Trước tiên, ngài cho chúng
ta thấy sự chính đáng và giá trị của thần học giải phóng muốn diễn đạt ơn cứu độ
bằng những phạm trù mới như giải phóng. Thế nhưng, nó đã phạm sai lầm khi dùng
đến hận thù, đấu tranh ẩn mình dưới phương pháp phân tích xã hội của Karl Marx
để áp dụng cho đức tin Kitô hữu. Đồng thời nó cũng liên kết sự giải phóng xã hội
và vật chất như đích tới của đức tin. Rồi trong cùng một hướng đi song dưới một
khía cạnh khác, thần học đa nguyên về tôn giáo cũng mắc phải sai lầm khi cho thấy
ơn cứu độ nằm trong những kỹ thuật "tu thân tích đức", trong
"thiền nguyện"... Bằng cách đó, đức tin tông truyền đã bị coi nhẹ, nếu
không muốn nói là biến mất trong những thần học bối cảnh đó.[15]
Nếu
đúng là thế, nguy cơ chính yếu của thần học không chân chính về bối cảnh sẽ tôn
vinh tính địa phương quá đáng. Kinh nghiệm của những xung đột ngày nay cho thấy
rằng đề cao bản sắc dân tộc có thể đi kèm với sự loại trừ, coi bản sắc đó
"thống trị" trên những giá trị cao cả khác. Rõ ràng, luôn có nguy cơ
chết chìm trong những cái đặc thù.
2. Cha Gomez trong bài về
Kitô học cũng cho thấy một điều tương tự: Nếu không tinh nhạy đủ trước những
cám dỗ của một chủ nghĩa đặc thù, ta có thể nhân danh hội nhập văn hóa để trình
bày Đức Giêsu, chẳng hạn, như con heo của Thiên Chúa, vì lẽ có dân tộc hay bộ lạc
dành một sự tôn kính cho con vật này.[16]
3. Arbuckle nói rõ
"dân chúng của mọi văn hóa hay quốc gia có khuynh hướng nghĩ rằng lối hành
xử, lối làm việc của họ là đúng; những cách hành động khác là ngu, cộc cằn,
không văn minh, không hợp lý, xấu" (149) Đó là khuynh hướng qui sắc tộc
(ethnocentrism).
V. NHỮNG CƠ HỘI LỚN LAO CHO MỘT NỀN HUẤN GIÁO ĐƯỢC
THẦN HỌC CHÂN CHÍNH TRONG BỐI CẢNH MANG LẠI
Thế
nhưng, không phải vì những nguy cơ trên mà chúng ta sợ hãi xây dựng thần học địa
phương chân chính. Có rất nhiều cơ hội tuyệt vời được cống hiến cho Giáo hội địa
phương với nền thần học như thế. Ta nêu ra vài điều mà thôi.
1. Để ý được đến nhân vị.
Chúng ta luôn bị cám dỗ của những người biệt phái: cơ cấu đến trước nhân vị. Nhờ
một thần học chân chính để ý và phân định những dấu chỉ thời đại, giá trị con
người luôn đến trước. Thiên Chúa luôn dành chỗ hàng đầu cho con người;[17]
ngay cả những lễ tế cũng không sánh bằng những nhân vị. Ngay cả ngày sabat cũng
để phục vụ cho con người. Theo ánh sáng này, một trình bày giáo lý không cần biết
đến người nghe và những khao khát cùng vấn đề của họ, đã vô tình hay hữu ý, đặt
nhân vị đến sau. Nói cách khác, vô tình hay hữu ý, chúng ta bày ra một vị Thiên
Chúa vô cảm, mà sẽ trở thành bia cho sự chống đối.
2. Sự hiểu biết đức tin
ngày một thích hợp hơn. Nhờ quan tâm hàng đầu đến con người, tạo vật duy nhất
được Thiên Chúa tạo dựng vì chính họ, đức tin không còn được hiểu như một mớ kiến
thức cho bằng là một ngôi vị, Đức Giêsu. Đức tin nhắm tới chính Đức Giêsu. Đức
tin không được nhìn là một báu vật được chôn vùi, vì đã được nhận một lần cho tất
cả. Đức tin phải được tăng trưởng, cùng theo mức độ lý trí của con người lớn
lên. Nếu không, "đời sống đức tin gặp nguy hiểm khi một sự hiểu biết của một
người về điều họ tin vẫn còn ở mức độ trẻ nít, khi mà nền giáo dục trần tục của
người đó lại thích hợp cho một người trưởng thành"[18] Sự bất tương hợp giữa kiến thức đức tin và kiến
thức đời không phải là điểm chúng ta phải để ý trong hiện trạng giáo hội chúng
ta hôm nay hay sao?
3. Canh tân lòng yêu mến
Giáo hội. Chúng ta sẽ tăng trưởng cảm thức thuộc về Giáo hội như một thành phần
sống động của Dân Thiên Chúa. Một đàng chúng ta gắn bó với Giáo hội phổ quát vốn
có Giám mục Roma như nguyên lý hiệp nhất, nhưng lại sẵn lòng hiến thân cho Giáo
hội địa phương, nơi đó ta sống đức tin, cậy mến, và cũng nơi đó ta có Giám mục
là nguyên lý hiệp nhất.
4. Có thể kiến tạo một phụng
vụ được hội nhập văn hóa. Dần dần, phụng vụ của Giáo hội địa phương có thể chắt
lọc những gì sâu xa của văn hóa địa phương để ca tụng, ngợi khen, cảm tạ Thiên
Chúa, ở một chiều sâu, chứ không phải chỉ ở một vài dáng vẻ bên ngoài. Giáo lý
được hội nhập sẽ dần làm cho đức tin không phải là một thứ xa xỉ hay trang
hoàng, hay thêm vào cho văn hóa. Nó trở thành rường cột cho một văn hóa đích thực:
văn hóa tình thương, văn hóa ơn gọi, văn hóa sự sống.
KẾT LUẬN
Chắc
hẳn con đường xây dựng nền thần học chân chính về bối cảnh hỗ trợ cho giáo lý
là quan tâm của toàn Giáo hội tại Việt nam. Đó là một con đường mà phải luôn
luôn lên đường. Hơn bao giờ hết, ở dưới phương diện này, Giáo hội tại địa
phương đúng là người lữ hành. Giáo hội ấy phải lên đường như Abraham và không
được quay đầu trở lại, nếu không muốn chối bỏ chính lời hứa của Thiên Chúa
trung thành. Giáo hội ấy phải luôn quên chặng đường đã qua mà chỉ nhắm hướng tới
Đức Giêsu, như thánh Phaolô nói cho chúng ta. Con đường này dường như không có
điểm kết thúc. Tôi xin dùng một hình ảnh vốn đã được Henri de Lubac sử dụng:
Như một người bơi trên biển, mỗi sải tay như thể chiếm được một chút chân trời
đã thấy trước, song kỳ thực lại kinh nghiệm một chân trời mới, rộng hơn đang trải
ra trước mắt.[19] Điều ấy
không làm họ sợ cho bằng là một lời mời họ vươn lên không ngừng. Thiên Chúa và
mầu nhiệm của Ngài luôn vượt xa chúng ta mãi mãi.
[1]
Arbuckle, Earthing The Gospel, p. 1.
[2] X.
Arburkle, ibid, 11; A. J. Maxon (ed). The
Mission of St. Augustine to England according to The Original Documents, Being
a Handbook for the Thirteenth Century (Cambridge, 1897) 89tt.
[3] Ratzinger,
Đức tin Kitô giáo, hôm qua và hôm nay,
(dịch giả: Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam) trg. 37-38.
[4] x.
GS 19-21; 40-44; Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium;
Ratzinger, Đức tin Kitô giáo, ...,
36-79.
[7] X.
Ayward Shorter, Toward a Theology of
Inculturation, Part One; Peter C. Phan, Mission
and Catechesis; Francis A. Sullivan, Creative
Fidelity.
[8] x.
GS 4.
[9] Đồ
thị này lấy từ Arbuckle, Earthing The Gospel,
[10] H.
Sanks, Reading The Signs of The Times,
p. 3.
[12] Đồ
thị dưới lấy từ L. Luzbetak, Church and
Cultures,
[13]
Arbuckle, Earthing The Gospel, 3.
[16]
Gomez, Chúa Kitô phổ quát và độc nhất vô nhị. EAPR / 1983 / 1 / trg 4-30:
"... Kitô học này sẽ được tạo hình (định hướng) trong một cuộc đối thoại với
văn hóa, cách riêng với bối cảnh tôn giáo, một sự tương đối hóa hình ảnh Đức Giêsu là hậu quả tự nhiên.
Một cách đáng để ý, kết quả này lộ hiện trong những “tước hiệu địa phương” về Đức
Giêsu. Tại phương Tây chúng ta đã biết một
Đức Kitô là người “Do thái”, “người Marxit”, “người hoạt động chính trị”, “người
chống giới cầm quyền”, “người theo chủ nghĩa nhân bản”, và thậm chí cả “Đức
Giêsu người thương gia”. Ở Châu Mỹ Latinh, “Đấng giải phóng” dễ dàng chiếm chỗ
danh dự. Còn tại Phi châu, người ta gọi Ngài là “Tù Trưởng”, “Vị bô lão hay tộc
trưởng”, “người thuyên chữa” hay những danh hiệu tương tự của dân chúng. Đối với
dân Papua ngày lễ hội heo (the pig-festival) cống hiến một kinh nghiệm tôn giáo
mang tính cùng tận, vì thế Đức Kitô có thể được hội nhập văn hóa như “con Heo của
TC”. Ở Trung hoa, ngài được đặt tên là “chủ tịch”;..."
[18] F.
A. Sullivan, Creative fidelity, p. 7.
[19] X.
Henri de Lubac, Sur les chemins de Dieu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét