Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Vài khái niệm dẫn vào Thần Học Mục Vụ

Yali 21/05/2014

1.       Thần học mục vụ là gì ? 
Dịch từ chữ “théologie pastorale” :
·         thần học =  théologia (Theos = Thiên Chúa; logia = diễn từ) là những lý luận, suy tư tìm hiểu về thần linh, về niềm tin vào Thiên Chúa trong bối cảnh hiện tại.
·         Mục vụ = pastorale, có gốc là “pastor” = mục tử, công việc của mục tử. Theo nghĩa hẹp chỉ các giám mục, linh mục, người hướng dẫn cộng đoàn. Nghĩa rộng sau công đồng
Vaticanô 2, là cách thể hiện đức tin của cộng đồng dân Chúa, hướng thực hành, sống Lời Chúa trong xã hội.

2.      Lãnh vực liên quan tới Thần học mục vụ (THMV)

Công đồng Vaticanô II đề cao khía cạnh thực hành trong Giáo Hội, nhất là 2 hiến chế “Vui mừng và hy vọng” (Gaudium et Spes), “Ánh sáng muôn dân” (Lumen Gentium). Các văn kiện Công Đồng đều soạn thảo theo nền tảng đó nên Vaticanô II được gọi là công đồng mục vụ. Sau Công Đồng này, những suy tư về hoạt động mục vụ trong Giáo Hội phát triển mạnh. Thần học mục vụ (THMV) theo nhãn quan đó, trở nên phổ biến và đa dạng. Tiếng Pháp thường sử dụng từ thần học mục vụ”, đúng với từ ngữ và tinh thần công đồng Vaticanô II. Tiếng Đức và Anh thường gọi là thần học thực hành (pratical theology), đề cao hơn khía cạnh thực hành niềm tin (praxis) của cộng đoàn Dân Thiên Chúa. Bên Mỹ thường nói nhiều hơn tới thần học bối cảnh (contextual theology) đi sâu hơn vào hoạt động mục vụ của cộng đoàn địa phương. Mỗi trường phái đề cao một khía cạnh khác nhau.
Thần học mục vụ khái quát như trên thường suy tư theo ba bước :
(a)    Quan sát biến cố, bối cảnh xã hội hiện tại để suy tư, tìm hiểu Lời Chúa.
(b)   Phán đoán những điều hay, dở, tích cực hay sai trái.
(c)    Đưa ra hướng hành động
Như vậy theo lý luận thì thần học mục vụ tách khỏi các môn thần học kinh điển hay tín lý (théologie systématique, dogmatique), thiên về nghiên cứu, lý luận “trên bàn giấy”. Trên thực tế thì các môn thần học đều ít nhiều liên hệ tới thực tiễn, tức là THMV là lý luận suy tư lâu đời, nằm trong nhiều môn thần học khác như phụng vụ, giáo lý, luân lý, Giáo Hội học, Kinh Thánh.
3.      Tiến triển đa dạng của thần học mục vụ
THMV theo nghĩa trên đã có từ thời các cộng đoàn tiên khởi, rõ nhất nơi thánh Phaolô. Với trào lưu toàn cầu hóa và thế tục hóa trong xã hội, nhu cầu suy tư, lý luận về sự đa dạng của niềm tin ngày càng cao. Một dạng THMV được phổ biến lan rộng một thời tại Nam Mỹ là thần học giải phóng, lý luận xã hội theo giai cấp và chọn hành động là đấu tranh giai cấp, kể cả bằng vũ lực quân sự để … LBTM cho giai cấp bị bóc lột ! Nếu không chấp nhận hướng giải quyết của thần học giải phóng thì đâu là hướng đi của Giáo Hội khi giải quyết những mâu thuẫn giữa tôn giáo và chính trị xã hội địa phương ?
Những xung đột xã hội do di dân và do cuộc sống chung đa văn hóa ở châu Âu, rồi lần lượt ở khắp nơi, đã đặt ra những nhu cầu suy tư theo hướng khác: con người nỗ lực tìm kiếm và thể hiện cho mình, cho công đoàn mình, những đặc tính, lối sống riêng, còn được gọi là căn tính cá nhân, căn tính cộng đoàn  hay căn tính văn hóa dân tộc. Để sống chung hài hòa trong bối cảnh đó, Giáo Hội mời gọi nỗ lực hội nhập Tin Mừng vào văn hóa bản địa, xây dựng căn tính xã hội, tôn trọng căn tính cộng đoàn tín hữu địa phương phù hợp với Tin Mừng. Các tôn giáo khác cũng có căn tính, lối sống riêng biệt nhiều lúc đưa đến xung đột tôn giáo, chính trị. Nhu cầu ngồi lại với các tôn giáo đưa đến Thần học đối thoại như Đối thoại đại kết (oecuménique), đối thoại liên tôn (interreligieux). Với sự ra đời của sách Giáo lý xã hội – hay học thuyết xã hội Công Giáo – bổ sung thêm cho sách Giáo lý Công Giáo của Hội Thánh, THMV ngày càng được lưu tâm nghiên cứu.
Và mới đây, ngày 07/05/2014, ĐGH Phanxicô đã đề nghị một nền tảng suy tư mới có trọng tâm là hoạt động truyền giáo. Các suy tư thần học, dạy giáo lý, bí tích, và cả cơ cấu Giáo Hội, tất cả cần cập nhật, thay đổi cho phù hợp với công cuộc truyền giáo hôm nay. THMV gắn kết hơn với sứ vụ truyền giáo.
4.      Tới định nghĩa của Thần Học Mục Vụ

Suy tư về THMV đã tách biệt dần với các môn khác, trở thành ngành nghiên cứu, suy tư riêng ngày càng có chỗ đứng quan trọng trong các học viện Công Giáo để đáp ứng với những diễn biến xã hội đang thay đổi từng ngày.
Nhưng đâu là nền tảng chung cho THMV ?
THMV không phải là thực hiện những điều đã có, như nghĩa hẹp của từ “thần học thực hành”, cũng không thu gọn vào lãnh vực “mục vụ” như phụng vụ, bí tích, giáo lý. THMV mở ra nhiều lãnh vực đạo đức, xã hội, LBTM, đào tạo nhân sự, tức là mọi vấn đề phục vụ cho hoạt động Giáo Hội nhân danh Tin Mừng. Như vậy THMV không còn ở trong lãnh vực “mục vụ”, “thực hành” tôn giáo, nhưng cần đến phương pháp, ngành nghiên cứu khoa học thực nghiệm và xã hội để phân tích và suy tư thần học.
Như vậy THMV là môn phối hợp nhiều ngành (interdisciplinary) thần học kinh điển và khoa học xã hội thực nghiệm để nghiên cứu, phê phán những hoạt động của Giáo Hội, cách thể hiện niềm tin trong cuộc sống.

5.      Các bước tiến hành của THMV
Qua cách định nghĩa trên có thể phác họa 4 bước triển khai THMV.
·         Quan sát, thăm dò, tìm hiểu về những cách thể hiện niềm tin, về cách ứng xử của cộng đồng dân Chúa trong một bối cảnh xã hội cụ thể. Công việc này cần thực hiện theo phương pháp khoa học thực nghiệm.
·         Phân tích suy tư về các dữ kiện đã thu thập theo hướng xã hội nhân văn như  xã hội học, phân tâm học, sư phạm .
·         Đưa ra hướng nhận định – chứ không thể khẳng định đã thấu hiểu những sự kiện đã quan sát trên thực tế - lý luận và đánh giá cách tương đối thực tại trên. Lý luận triết học sẽ giúp cho vấn đề mạch lạc và gắn kết chặt chẽ hơn.
·         Đối chiếu với các nhận định, góc nhìn của thần học cơ bản và các ngành thần học kinh điển khác, các trải nghiệm đức tin trong truyền thống Giáo Hội. Từ đó đưa ra những cơ may đổi mới, cách sống niềm tin phù hợp với bối cảnh địa phương.

6.      Để tóm kết

Các suy tư thần học kinh điển thường đi vào chân lý thần học dựa trên quan niệm đồng nhất trong Giáo Hội và thực tại toàn diện. Với thế giới đa chiều, đa văn hóa hiện nay xã hội đề cao sự hiệp thông trên tinh thần tôn trọng sự đa dạng văn hóa, thông tin đa chiều, căn tính cá nhân và căn tính cộng đoàn. Suy tư thần học kinh điển không thich ứng kịp hướng đi này, ít nhiều rơi vào bế tắc. Chân lý đức tin cần định hướng trong truyền thống sinh động của cộng đoàn Dân Chúa, tức là không nhất thiết vâng theo những nguyên tắc nội bộ, ơn trên mặc khải từ thượng tầng kiến trúc đưa xuống. Thể hiện niềm tin hôm nay đi theo những nguyên tắc lý luận chung của xã hội một cách mạc lạc, khoa học. Các ngành thần học kinh điển đều chuyển hướng về thực hành như một nền tảng để theo sát thực tại.
Để LBTM trong bối cảnh xã hội chính trị địa phương, THMV sử dụng nhiều ngành khoa học đạo và đời, đón nhận, lắng nghe ý kiến từ cộng đoàn, sàng lọc qua các ngành khoa học nhân văn. Như vậy đúc kết nhận định từ xã hội sẽ khác với nhận định trong nội bộ Giáo Hội địa phương. Đối chiếu với những cách thể hiện niềm tin theo truyền thống văn hóa đa dạng trong Giáo Hội hoàn vũ, nhận định và biện luận theo suy tư thần học kinh điển đương thời. Từ đó đề nghị, phát huy cách ứng xử và thể hiện niềm tin trong cộng đồng Giáo Hội địa phương, đổi mới cách hành xử trong xã hội, để Tin Mừng thích ứng với nền văn hóa đa dạng, với cuộc sống muôn màu hôm nay.


Đọc thêm :

1.        Henri-Jerome-Gagey, La théologie pratique, quelle rationalité ?, 15/07/2004, xem trên : http://www.icp.fr/fr/Recherche/Les-enseignants-chercheurs-de-l-Institut-Catholique-de-Paris/, 28/04/2014
2.        Tấn Anh, Thần Học Mục Vụ Theo Công Đồng Vaticanô II, từ nguồn Học Viện Đa Minh, 28/11/2013, xem trên: http://catechesis.net/news/Muc-Vu-Tong-Quat/, 21/04/2014.
3.        Bernard Mercier, Pour Une Theologie Pratique Pastorale, xem trên: http://perso.wanadoo.fr/famille.delaye/Theologie/theo_pastor1.html, 14/06/2005
         4.      Société internationale de théologie pratique , Théologie pratique, 2014, xem trên : http://www.sitp.org/la-theologie-pratique/
5.  La mission est le paradigme de toute oeuvre de l'Eglise, Zénith, 7/05/2014, xem trên : http://www.zenit.org/fr/articles/la-mission-est-le-paradigme-de-toute-oeuvre-de-l-eglise

Không có nhận xét nào: